Logo

* Bất ngờ ở U Minh Hạ

Từ khi xuất hiện đến nay, mận An Phước đã giúp cho rất nhiều bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL thoát nghèo. Trong đó có những người làm giàu nhờ trồng mận An Phước. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, thì hiện nay hầu hết mận An Phước được các nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... trồng trên đất vườn vùng nước ngọt. Bởi cũng như các loại cây ăn trái khác, mận An Phước khi bị nước mặn sẽ rụng trái. Do vậy, khi bất ngờ biết được tin giữa lòng rừng tràm ngập mặn U Minh ở Cà Mau vài năm nay, mận An Phước đã trở thành cây trồng đang “hot”, tôi liền vội vã tìm đến.

Từ Biên Hòa xuống TP.Cà Mau đã hơn 400km và từ đô thị cuối trời Tổ quốc này đến huyện U Minh phải đi xa hơn 50km nữa (vượt khỏi cụm Công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau đồ sộ, uy nghi trải dài như một công trường hoành tráng vùng cực Tây). Và, từ huyện phải bỏ xe ô tô, ngồi honda ôm vượt trên 15km để vào xã Khánh Hòa. Đến cuối xã lại xuống vỏ lãi chạy hơn 3km mới đến kinh 23 rồi quay lại Kinh Tẻ đoạn bờ bao dài gần 2km, có 3 hộ trồng mận An Phước nổi tiếng khắp vùng U Minh Hạ. Từng biết U Minh qua những trận cháy rừng và nạn chặt phá trộm rừng tràm được thường xuyên đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và lại mang tâm trạng nặng nề về thân phận cùng cực của người nông dân sống vạ vật trong miệt thủy lâm này trong “nỗi niềm U Minh Hạ” của nhà văn - nhà báo Võ Đắc Danh, tôi trân mình ra chịu cái nắng nóng kinh hồn phối hợp với màu nước nâu đen trên dòng kinh hắt vào người giữa trưa nắng. Và cũng nhờ vậy, lần đầu tiên trong đời tôi mới biết và nhìn thấy cái cảo quay được thiết kế giống như một bệ gỗ nâng chiếc vỏ lãi vượt qua khỏi cổng bờ bao.

Chiếc vỏ lãi chở tôi vào đến kinh 14 (bà con nơi đây quen gọi là Kinh Hỉ) thuộc tiểu khu 25 của phân trường U Minh 2 thì một cảnh quan đẹp đến lạ lùng hiện ra trước mắt. Bên dòng kinh nước màu đen là bờ bao che chắn cho rừng tràm trùng điệp bên trong là một màu xanh ngắt lốm đốm, đỏ rực màu mận An Phước chín. Ông Hai Huỳnh (Trần Ngọc Huỳnh) - người nông dân U Minh đầu tiên ở đây đã khăn gói tìm đến tận ngã 3 Thái Lan ở Đồng Nai mua về 40 nhánh mận An Phước đem về trồng thử nghiệm trên đất bờ bao mà em trai ông nhận khoán của lâm trường U Minh vào nằm 2001 - nay đang là một “đại gia” trồng 800 gốc mận An Phước. Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm ông thu hoạch trên 150 tấn mận, bán được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí thuê mướn nhân công, phân bón... thu lợi khoảng 160 triệu đồng. Ông Hai Huỳnh cho biết, mận An Phước của ông trồng những năm đầu cho từ 20 - 30kg trái/cây, nhưng nay đã đạt 100kg trái/cây. Mận An Phước trồng ở U Minh này có trái màu đỏ sậm, vị ngọt thanh lại rất to, chỉ từ 10 - 12 trái đã nặng 1kg. Thương lái đến sân vườn cân với giá từ 10.000 - 13.000đ/kg, tính ra giá cao gấp 3 lần các loại mận thường.

* Mận “Đồng Nai” nổi danh vùng U Minh

Em trai ông Hai Huỳnh là ông Quốc “Vườn chim” (tên thật là Trần Trung Quốc) - người chính thức hợp đồng với lâm trường U Minh nhận giữ 96 hécta rừng tràm ở Kinh Tẻ, còn trồng mận An Phước nhiều hơn cả ông anh, đi đầu trong việc làm bờ bao giữ vườn tràm. Ông Quốc khoanh lại khu vực vườn chim và trồng cây ăn trái làm vành đai bảo vệ vườn tràm cũng như vườn chim. Đầu tiên, ông trồng mận đường - một giống mận ở miền Tây có màu đỏ nhạt, mỏng vỏ và hột to. Sau khi thấy Hai Huỳnh trồng mận An Phước thành công, ông bèn chiết nhánh và chặt bỏ mận đường để trồng mận An Phước. Qua mấy đợt trồng, đến nay trên toàn bộ khu bờ bao của ông đã có đến khoảng 1.000 cây mận An Phước.

Ông Quốc “vườn chim” được xem là người biết làm ăn và giàu có nhất vùng Kinh Tẻ hiện nay. Đặc biệt, hàng chục năm nay trên diện tích rừng ông được giao hợp đồng bảo vệ chưa hề xảy ra đám cháy nào cũng như chưa hề xảy ra vụ mất trộm tràm nào. Đây là hai vấn nạn lớn nhất ở U Minh. Ông còn đầu tư công sức làm bờ bao rồi cất chòi cho khách đến tham quan vườn chim và phục vụ tại chỗ các món ăn đồng quê, trái cây và có thể mua về mật ong rừng, mắm cá lóc. Tết Kỷ Sửu vừa qua, những ngày đầu năm, vườn chim U Minh của ông Quốc đón đến 300 khách từ các nơi đến xem chim và thưởng thức mận An Phước. Mận của ông Quốc ngoài bán tại chỗ phục vụ du khách, phần lớn được đóng thùng (thùng xốp có sức chứa từ 38 - 40kg mận) đưa ra đầu mối ở chợ Cà Mau tiêu thụ. Nơi đây còn chuyển đến bán ở các huyện Đầm Dơi, Sông Đốc, Trần Văn Thời... Ông Quốc “vườn chim” vẫn quen gọi mận An Phước là “mận Đồng Nai”. Ông cho biết: “Hai năm sau khi ông anh hai tui đi Long Thành mua được 40 nhánh mận Đồng Nai mang về trồng thử, tôi đã chiết ra, nhân giống trồng. Và đến năm thứ 4 đã bắt đầu bán giống mận Đồng Nai ra khắp vùng U Minh. Mua ở Vacdona Long Thành mỗi nhánh mận gái đến 40.000đ, chưa kể công vận chuyển. Vì vậy, khi chúng tôi bán giống mận Đồng Nai giá chỉ 10.000đ/nhánh, bà con mua dữ lắm!”. Không kể ông Tư Nam - dân cựu trào ở đây cũng trồng trên bờ bao được 500 gốc, hầu như nhà nào trong vùng cũng trồng từ 5, 10 đến vài chục gốc mận Đồng Nai trong vườn.

Đưa tôi đi xem những cây mận Đồng Nai lặc lè đỏ trái, ông Quốc “vườn chim” vẫn tỏ ý băn khoăn: “Thấy cây mận đỏ trái như thế này thiệt tình tôi hổng biết lặt, tỉa bớt cách nào đễ giữ trái còn lại cho trái to theo hướng dẫn. Tui rất muốn lên tận Công ty Vacdona ở ngã 3 Thái Lan để hỏi thêm cách thức, nhưng ngặt nỗi công chuyện ở đây quá bộn bề, bỏ đi không được, mà từ U Minh lên đến Đồng Nai xa quá là xa!”.

Share with friends