Logo
Nằm trong dự án “Du nhập, trồng và phát triển 500ha dừa dứa tại tỉnh Bến Tre”, đến nay sau 2 năm (2006-2007) Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (Sở KH&CN) thực hiện được 50ha dừa dứa tại 3 huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày, Châu Thành, hiện có 136 hộ tham gia. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ tháng 9/2006 dự kiến kết thúc vào tháng 9/2009 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Nguồn dừa dứa do Công ty TNHH Giống cây ăn trái Đồng Nai (VACDONA) cung cấp, được du nhập từ Thái Lan.

Hiện nay, dù chưa chuyển sang giai đoạn nhân rộng nhưng đã có nhiều hộ ở các địa phương trong tỉnh tự tìm giống dừa dứa đã trồng được trên 20ha, trong đó có hơn 4.000 cây do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh trực tiếp cung cấp.

Trong 50ha dừa dứa thuộc dự án, cây đang phát triển tốt đạt tiêu chuẩn, mật độ trồng 200 cây/ha trồng xen và 300 cây/ha trồng chuyên canh. Trung tâm đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hái, chế biến dừa dứa cho 115 hộ ở 3 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm. Đã hình thành được 9 tổ Khoa học kỹ thuật về trồng dừa dứa với 136 thành viên. Xây dựng được quy trình trồng dừa dứa xen canh, chuyên canh. Đã tạo được 11 mô hình điểm ở 11 xã của 3 huyện, làm cơ sở để thực hiện tốt cho giai đoạn nhân rộng ở giai đoạn 2. Hiện nay, tỉ lệ cây sống đạt 98,65%, phát triển tốt, khá là 80,90%, đây là kết quả rất khả quan so với chỉ tiêu của dự án đề ra là 70% cây sống và phát triển tốt. Tỉ lệ cây chết chung cả 3 huyện thực hiện dự án là 1,35% tỉ lệ này thấp nên chấp nhận được, tốc độ sinh trưởng của cây sau khi trồng thì huyện Mỏ Cày có tỷ lệ cao nhất là 89,80% trở lên.

Từ kết quả đạt được như trên, hiện nay Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đang tiếp tục xây dựng dự án: “Thực hiện giai đoạn nhân rộng Dự án du nhập, trồng và phát triển 200ha dừa dứa tại tỉnh Bến Tre”. Dự án đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ chuyên ngành thông qua và UBND tỉnh đã cho phép triển khai thực hiện từ tháng 10/2008 đến tháng 10/2011. Hiện nay, Trung tâm đang phát động nông dân 8 huyện thị trồng 450ha dừa dứa giai đoạn 2007-2009 bằng nguồn vốn của dân hoặc vốn vay ngân hàng.

Để cây dừa dứa phát triển tốt đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thị Lệ Thủy, cho biết ở tỉnh ta thời điểm trồng dừa dứa thích hợp nhất là tháng 6-7 (dương lịch), nhằm giảm chi phí tưới nước trong giai đoạn cây con. Tuy nhiên nếu chủ động được nguồn nước tưới thì trồng lúc nào cũng được (nhớ tránh vào những tháng nước mặn xâm nhập). Bến Tre là đất phù sa, đất phèn nên phải lên liếp. Vùng đất thấp nên trồng trên mô có kích thước từ 60-80cm, cao 30-40cm, đấp mô 1-2 tuần trước khi trồng. Vùng đất cao thì đào hố rộng 50cm, sâu 50cm, bón lót 5-10kg phân hữu cơ, 0,5kg phân lân. Không nên trồng chuối xen vườn dừa vì chuối háo nước và kali làm cho dừa mất nguồn dinh dưỡng và thiếu nước. Đặt cây con vào hố lấp đất khoảng 2/3 trái, che mát vào mùa khô. Trồng dặm ngay khi cây chết. Nên bón phân hữu cơ vì phân hữu cơ giúp duy trì chất lượng dừa dứa. Mùa khô nên đậy gốc dừa bằng vỏ dừa, lục bình hoặc trồng cây họ đậu, bón kết hợp phân hữu cơ và phân vô cơ và phân kali. Sâu bệnh thường gặp là bọ dừa, nên dùng ong ký sinh để tiêu diệt bọ dừa. Kiến vương thường tấn công lúc dừa dưới 2 năm tuổi, ta phòng trừ bằng cách thường xuyên vệ sinh vườn dừa, dùng thuốc hóa học: Padan 900WP, Servin 85 WP, Basudin 10H để diệt và phòng chống. Dọn hết các lùm cây, tán dừa để chuột không có chỗ trú ẩn mà cắn phá dừa, dùng thuốc diệt chuột, bẫy chuột để bảo vệ vườn dừa. Nên rải thêm phân kali để tránh bệnh đóm lá. Sử dụng thuốc có gốc đồng, thuốc Aliette, Ridomil để phòng trừ bệnh thối đọt.

Được biết, sau 3 năm dừa dứa sẽ cho trái, hiện nay có 3 loại dừa dứa: loại để uống nước có trái nhỏ và trái vừa, còn trái to (như trái dừa ta ở địa phương) loại này để lấy dầu. Ngoài ra dừa dứa còn chế biến thành các sản phẩm như: dừa dứa tươi nướng, đường thỏi dừa dứa, nước giải khát từ mật hoa dừa dứa, rau câu dừa dứa, thạch dừa dứa, bánh dừa dứa, mứt dừa dứa…

Share with friends